Nông sản lên sàn thương mại điện tử

Viễn cảnh người dân ở TP.HCM có thể đặt mua online dừa từ bến tre, vú sữa lò rèn ở Tiền Giang...

Thiết lập được những thói quen đơn giản trong kinh doanh hiện đại như kiểm tra email, chat, đảm bảo thời gian giao hàng... đang là rào cản trong chiến lược thương mại điện tử hóa nông thôn Việt Nam.

Đón đầu cơ hội

Những ngày giữa tháng 5, Trung tâm thương mại The Garden Mall, quận 5, TP.HCM tái hiện không gian một Bến Tre thu nhỏ. Trong không gian văn hóa làng dừa, 30 gian hàng cùng các sản vật đặc trưng và phương thức sản xuất truyền thống được tái hiện rõ nét. Cùng với các sản phẩm truyền thống, các startup trẻ khởi nghiệp từ giá trị của những sản vật quê hương cũng mang đến nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo. “Đây là hoạt động offline đầu tiên, gây ấn tượng với người tiêu dùng TP.HCM, mở đường cho chúng tôi đưa nông sản Bến Tre đến với thị trường bằng thương mại điện tử“, ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, tiết lộ.

Bến Tre nằm trên trục chính của tuyến giao lưu kinh tế các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Diện tích trồng cây lâu năm hơn 101.000ha. Trong đó, cây ăn trái hơn 28.000ha với các loại trái cây ngon như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, chuối, cam quýt..., sản lượng đạt hơn 310.000ha. Rất nhiều sản phẩm của Bến Tre đã được xác nhận chỉ dẫn địa lý, trở thành đặc sản như bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc... Từ “thủ phủ dừa Việt Nam” này, ngành công nghiệp chế biến dừa cũng hình thành với hàng loạt sản phẩm như dầu dừa, mỹ phẩm từ dừa, sữa dừa..., mang đến nhiều cơ hội cho người trẻ địa phương khởi nghiệp.

Theo ông Khê, nông sản, đặc sản địa phương là một trong những nguồn hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ rất cao, có thị trường cả nước nhưng hiện vẫn phân phối theo phương thức truyền thống chưa tận dụng được kênh phân phối online để đẩy mạnh hơn khả năng tiếp cận khách hàng. Trong bối cảnh tỉ lệ người dùng kết nối internet cao, lên đến khoảng 64/96,02 triệu dân hiện nay và vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp địa phương không tham gia, làm quen với thương mại điện tử từ bây giờ là tự đánh mất cơ hội của mình.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, 70% giao dịch hình thức này diễn ra ở các thành phố lớn, chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội, 30% còn lại cho vùng nông thôn. Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc Quan hệ Chính phủ Lazada Việt Nam, đánh giá: “Đây thực sự là một khoảng trống cũng như cơ hội cực lớn”.

Bắt đầu từ địa phương

Năm 2016, Alibaba, công ty về thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc quyết định đầu tư 10 tỉ nhân dân tệ để phủ sóng thương mại điện tử tại nông thôn. Chiến lược của Alibaba là xây dựng 1.000 trung tâm phân phối cấp huyện và 100.000 điểm nhận hàng. Song song đó, là hàng loạt hoạt động đào tạo, hướng dẫn... để người dùng lẫn doanh nghiệp địa phương biết đến và hình thành một hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến. Thậm chí, Alibaba còn thiết lập cả Cainiao, một nền tảng logistics để các đơn hàng ở nông thôn được thực hiện trôi chảy. Chiến lược này biến nông thôn Trung Quốc thành mảnh đất cực kỳ màu mỡ cho thương mại điện tử.

Cùng thời gian này, Shopee chính thức gia nhập thị trường Việt Nam và định hướng phát triển thị trường nông thôn, thành thị là 50-50. Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, đơn vị này thường xuyên mở các chương trình huấn luyện hỗ trợ bán hàng cho những tiểu thương ở khu vực xa. Nhờ vậy, hộ kinh doanh ở nông thôn có mặt trên Shopee cũng tương đối. Tuy nhiên, chỉ có 10% khách hàng Shopee ở khu vực này thanh toán online. Điều này cũng là thách thức đối với sàn thương mại điện tử dành cho nông nghiệp.

“Khó nhất trong việc phát triển thương mại điện tử nông thôn Việt Nam vẫn là thói quen. Trong khi người dùng nông thôn hiện nay đã bắt đầu đặt hàng qua mạng, mua hàng từ các shop ở thành phố thì doanh nghiệp địa phương thậm chí còn không có thói quen kiểm tra email hay chat với khách hàng. Việc đảm bảo thời gian giao hàng cho khách cũng là một thách thức”, ông Vũ Quốc Tuấn nhận xét. Đánh giá cao tiềm năng của thị trường nông thôn, đầu năm 2019, Lazada Việt Nam đã triển khai dự án Làng nghề đặc sản online, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nông thôn trên toàn quốc tiếp cận mô hình thương mại điện tử, mở rộng kinh doanh.

Cách làm của Lazada là hỗ trợ khách hàng miễn phí mở gian hàng, miễn phí hoa hồng trọn đời, miễn phí các chương trình đào tạo bán hàng online, hỗ trợ về thiết kế, hình ảnh gian hàng, dán nhãn đặc sản nếu đã có đăng ký chỉ dẫn địa lý... Trang kinh doanh này dự kiến sẽ thử nghiệm ở 4 tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, với thực tế này, theo ông Vũ Quốc Tuấn, chỉ các sàn thương mại điện tử thì không đủ. Ông Tuấn nhận định: “Phải kết hợp và có được quyết tâm từ chính quyền địa phương, phát triển thương mại điện tử ở nông thôn mới có thể phát triển”.

Ở phía địa phương, ông Lê Văn Khê cho biết, nhờ có sự tham gia các cơ quan chuyên trách mà những hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh cũng hiệu quả hơn. Hiện chiến lược phát triển nông sản của các tỉnh đều đang hướng đến phát triển nông sản bền vững, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ. “Nếu doanh nghiệp địa phương tham gia tốt ở lĩnh vực thương mại điện tử, khi ứng dụng thành công mô hình nông sản bền vững, họ sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường thế giới với giá thuận lợi nhất”, ông Khê khẳng định.

Theo Nhịp cầu Đầu tư 

 

hinh1.pnghinh2.pnghinh3.pnghinh4.png

Công ty TNHH Nông Nghiệp Điền Xanh

Địa chỉ : 96/50 - Tây Hòa - Phước Long A - TP. Thủ Đức - TP. HCM

Giấy phép kinh doanh số: 0311403474. Cấp lần đầu ngày 12 tháng 12 năm 2011. Cấp thay đổi lần 5 ngày 17 tháng 06 năm 2020.

Điện thoại: 028.3728.4024 - 3728 4025 - 3728 4026 - Fax: 08.3640.2354

Email: cty.dienxanh2011@gmail.com

 

Hôm nay:
Tổng cộng:
239
931752

3.14%
24.92%
7.77%
1.32%
0.56%
62.29%
Online: 8