Hiện nay, trên địa bàn tình Hưng Yên có diện tích trồng chuối rộng khoảng 2.000ha cho sản lượng 38.000 tấn chuối mỗi năm.
Nhờ ứng dụng mô hình VietGap cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, mỗi ha trồng chuối tiêu hồng ở Hưng Yên có thể cho thu về hơn 300 triệu đồng, gấp cả chục lần vốn đầu tư ban đầu. Chuối Hưng Yên phát triển xanh tốt nhờ được bón phân chuồng trộn tro bếp, ngô, đỗ tương xay nhỏ. Hệ thống nước tưới tự động và trong suốt quá trình chăm sóc cây phát triển, bà con đều kiểm soát chặt chẽ lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Hàng ngàn ha trồng chuối ở Hưng Yên giúp bà con vươn lên cải thiện kinh tế.
Vào tháng 9, nông dân sẽ dừng hẳn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tránh tồn dư lượng hóa chất trong quả, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn khi thu hoạch. Khi cây bắt đầu cho quả, bà con dùng túi chuyên dụng để bọc buồng chuối, tránh sâu bệnh, côn trùng tấn công và tạo độ đẹp đồng đều cho các nải.
Là một trong những người tiên phong đưa giống chuối tiêu hồng về trồng ở huyện Khoái Châu, anh Phạm Năng Thành (xã Đại Tập) hiện đã mở rộng nhà vườn của mình lên tới hơn 50 mẫu. Mỗi ngày cơ sở sản xuất chuối của anh Thành xuất khẩu khoảng 20 tấn sang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường trong nước. Với mức lãi 40 triệu đồng một mẫu mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh Thành thu về khoảng 2 tỷ đồng.
Túi chuyên dụng dùng để bọc chuối.
Anh Thành chia sẻ, tình cờ được biết đến giống chuối tiêu hồng. Thấy quả to, đẹp mắt, ăn lại ngọt nên mới đầu anh đầu tư 1ha trồng thử nghiệm. Nhưng đến ngày được thu trái, lại vấp phải khó khăn đầu ra. Anh bảo, "nhìn thấy chuối đẹp mã quá nên người ta cứ nghĩ mình đánh thuốc nên không dám mua. Dần dần thấy tôi bán cả hoa chuối, chuối xanh, chuối chín nên người dân mới tin là chuối sạch".
Chuối tiêu hồng Khoái Châu cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu. Với nhãn hiệu này, sản phẩm chuối của địa phương không chỉ được nâng tầm giá trị mà quyền lợi hợp pháp của những hộ dân trồng và sản xuất chuối cũng được bảo đảm.