Giống bưởi chịu hạn, mặn của anh Nguyễn Văn Đổi đang phát triển tốt trong mùa hạn, mặn.
Anh Nguyễn Văn Đổi (ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) là một trong số ít nông dân đầu tiên ở Sóc Trăng trồng thử nghiệm giống bưởi da xanh chịu mặn.
Giống cây chịu mặn
Sau hơn 8 tháng trồng, 160 gốc bưởi da xanh phát triển xanh tốt, trong khi những cây trồng khác ở khu vực này đều chết khô do nhiễm nước mặn. Để kiếm thêm thu nhập, giữ độ ẩm cho đất, anh Đổi trồng xen sả, bán phần gốc, còn lá ủ vào gốc bưởi. Vài ba ngày thương lái vào cân 40-60kg, giá bán 5.000 đồng/kg, kiếm theo tiền chợ.
Anh Đổi cho biết vườn nhà anh nằm giáp sông Hậu, mỗi khi xuất hiện mặn cây trồng liền bị "hắt hơi sổ mũi". Để thích nghi, anh trồng dừa, nhưng vài năm gần đây mặn ngày càng khốc liệt nên bị quéo đọt, trái không được lớn. Giữa năm 2019, nghe ngành nông nghiệp đang tìm người để phối hợp thử nghiệm trồng giống bưởi chịu mặn, anh Đổi tình nguyện đăng ký.
"Đợt mặn vừa qua lên đến trên 10‰ không cây nào chịu được. Vậy mà tôi bơm tưới bình thường, cây bưởi khỏe re" - anh Đổi cho hay.
Năm nay mặn đến sớm, nhiều hộ dân ở "thủ phủ cá lóc" xã Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh đã chịu thiệt hại nặng nề, trong khi đó ao cá lóc nhà ông Nguyễn Tri Phương (55 tuổi, ở ấp Giồng Giữa) vẫn ngon lành.
Ông Phương nuôi 100.000 con cá lóc. Biết trước sẽ gặp họa nước mặn tấn công, ông Phương đã "chuyển khẩu" cho đám cá sang ao phía trong mà ông đã đào dự trữ nước ngọt từ mùa mưa. Nhờ vậy số cá được an toàn khi nước mặn xâm nhập các ao nuôi.
Ông Phương nói lúc ông đào ao trữ nước "sơ cua", nhiều người nói ông làm chuyện "bá láp". Nhưng khi nước mặn tấn công, việc lo xa của ông đã phát huy hiệu quả cộng thêm giá bán cao, ông lời khẳm.
Thu hoạch cá lóc mùa khô hạn tại xã Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh.
Không ngồi bó tay
Ông Nguyễn Hoàng Hương (72 tuổi, ở ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết dòng Mekong bị chặn cản thượng nguồn, lũ 2019 đã không tràn về ngập ruộng Đồng bằng sông Cửu Long như mọi năm.
Thế nhưng bà con nơi đây không quá lo lắng bởi đã kịp "trở bộ", áp dụng phương pháp mới: trồng lúa nước nhưng ít nước. Chỉ có trong tay hơn 20 công đất gò, nhưng 3 vụ lúa hằng năm ông Hương đút túi vài trăm triệu. Nhiều bà con khác đời sống đỡ vất vả và khấm khá hơn trước nhiều.
"Vụ đông xuân hồi trước thất lắm vì không có nước mùa khô. Bây giờ đó lại là vụ trúng đều và sản lượng cao nhất, 7-8 tấn/ha là bình thường" - ông Hương hồ hởi.
Theo ông Hương, cái hay của phương pháp này là tháo nước ra vô hợp lý từng thời điểm, lượng nước trên ruộng ít nên tiết kiệm phân nửa giống, phân bón và chi phí xử lý cỏ dại, sâu bọ. Tính ra mỗi công chi phí còn chừng 2 triệu, trừ hết chi phí cầm chắc 5-7 triệu đồng/công/năm.
Trong khi đó, nông dân ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có sáng kiến biến những cánh đồng nhiễm mặn thành vùng đất con tôm sú luân canh cây lúa. Hiện người dân nơi đây đang tất bật chuẩn bị mùa nuôi tôm mới. Đang bơm nước vào đồng, ông Nguyễn Văn Rạng (ở xã Lương Nghĩa) cho biết để có mùa tôm quảng canh trúng mùa, đầu tiên ông bơm nước vào đôi ba lần cho gốc rạ mục, sau đó phải gia cố bờ bao, cống trên toàn bộ diện tích đất ruộng 35 công để tránh xì phèn, mặn...
"Mấy năm trước đây khi chưa có con tôm bén duyên ở đồng đất này, tôi và người dân ở xóm không biết làm gì hơn, đất đai phèn mặn quanh năm. Bây giờ mọi thứ đổi thay. Nông dân năng động và thích ứng để có cách sống thuận thiên. Lúa thu hoạch xong, họ lại rục rịch chuẩn bị nuôi tôm. Nuôi quảng canh, năm nào bà con cũng trúng, người nuôi nhiều có lời vài chục triệu đồng" - ông Rạng cho hay.
Mở rộng cách làm hay
Ông Lâm Văn Việt - trưởng Trạm khuyến nông Long Mỹ, Hậu Giang - cho biết diện tích nuôi tôm luân canh cây lúa ngày càng mở rộng, dự kiến mùa khô năm nay thả nuôi khoảng 650 công tôm sú. "Nuôi tôm kết hợp trồng lúa hiệu quả, bà con ai cũng tranh thủ và nóng lòng vào vụ tôm mới. Vì thế có rất nhiều hộ đăng ký tham gia" - ông Việt cho hay.
Theo ông Việt, đơn vị sẽ phối hợp với Trường đại học Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh trên đất ruộng để các hộ dân mới tham gia nắm vững kỹ thuật, hạn chế rủi ro.
Tương tự, ông Lê Thanh Tuấn - chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu - cho biết từ hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác của Đức, mô hình trồng lúa "tiết kiệm nước, ngập khô xen kẽ" mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Cộng nguồn lực nội tại, mô hình sản xuất tiết kiệm nước được đầu tư xây bờ bao mương xương cá, bà con hiến đất, gom lại thành cánh đồng mẫu lớn. Theo ông Tuấn, chỉ với hơn 100ha thực hiện ở ấp Nam Hưng nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - nói đang phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai một số mô hình giống cây chống chịu hạn, mặn, tiết kiệm nước. "Nếu hiệu quả sẽ nhân rộng tại một số địa phương, giúp nông dân dần thích nghi với điều kiện thời tiết sản xuất ngày càng khắc nghiệt" - ông Phước cho hay.
Chủ động chuyển đổi, giảm thiệt hại
Tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với tỉnh Bến Tre mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng sự chủ động của người dân, chính quyền trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm giảm thiểu thiệt hại.