Nông dân xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), thu hoạch lúa Hè Thu. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Tuần qua (ngày 31-8 đến 5-9), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng ổn định sau một thời gian dài tăng giá trong tháng Tám.
Giá tiêu cũng giữ giá ngang bằng với tuần trước, chỉ có giá cà phê nhích tăng nhẹ.
Thị trường nông sản trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.850-6.100 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng cũng có giá đi ngang, cụ thể Jasmine từ 6.000 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.950-6.200 đồng/kg.
Giá lúa Hè Thu cuối vụ ở Đồng Thấp tăng từ 300-600 đồng/kg so với tháng trước. Hiện lúa tươi giống IR 50404 có giá 5.900-6.000 đồng/kg; OM 5451 giá 6.000 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 6.000 đồng/kg; Jasmine giá 6.100 đồng/kg; OM 6976 giá 5.900-6.000 đồng/kg.
Nhiều nông dân thu hoạch lúa Hè Thu muộn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi vì lúa tươi được doanh nghiệp thu mua với giá cao. Giá lúa tăng là do thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung giá lúa gạo trong tháng 8 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với tháng Bảy.
Thu hoạch vụ Hè Thu cơ bản đã gần hoàn tất, nguồn cung hạn chế khiến cho giá lúa tăng trung bình từ 200-300 đồng/kg.
Riêng tại Cần Thơ, giá lúa được ghi nhận ở mức cao so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Từ đầu tháng Tám đến nay giá lúa tại Cần Thơ liên tục tăng, trung bình 500 đồng/kg.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương, gạo 5% tấm của Việt Nam giá tuần này tăng lên 490 USD/tấn, so với 480-490 USD/tấn của tuần trước, do nguồn cung khan hiếm.
Tuy nhiên, các thương gia cho biết nhu cầu yếu có thể cản trở giá tăng thêm nữa trong những tuần tới. Nguồn cung trên thị trường Việt Nam sẽ không tăng cho tới vụ thu hoạch mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn; ngoài ra, dịch COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều tác nhân trong chuỗi tăng cường dự trữ. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10.
Theo xu hướng cà phê thế giới, giá cà phê trong nước tuần qua cũng tăng khá. Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tăng 100-200 đồng, lên dao động trong khung 33.500-33.900 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.544 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 90-100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê 8 tháng đạt 1,16 triệu tấn với 1,98 tỷ USD, giảm 1,3% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường thế giới.
So với tháng 7-2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 800 đồng/kg lên mức 32.900-33.400 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng.
Cà phê Robusta giá FOB giao tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,6% lên mức 34.400 đồng/kg.
Một số địa phương trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên gặp khó khăn với tình trạng thiếu nước kéo dài, cùng với sản lượng thấp có thể sẽ đẩy giá nội địa tăng trong thời gian tới.
Trong tuần, giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch ở quanh mức 47.500-50.000 đồng/kg, tương đương với tuần trước. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã chạm mức 50.000 đồng/kg. Gia Lai và Đồng Nai chốt mức thấp nhất, các tỉnh còn lại ở mức 47.500 đồng/kg.
Thị trường nông sản thế giới
Trên thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 4/9, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, diễn biến trái chiều; giá ngô và đậu tương đều tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12-2020 khép phiên 4-9 tăng 4,25 xu Mỹ (1,2%) lên 3,58 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 11-2020 tăng 2 xu Mỹ (0,21%) lên 9,68 USD/bushel.