Mô hình trồng xoài, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, đã mang lại hiệu quả cao ở huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).
►Nhiều mô hình hiệu quả
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn xuất hiện thường xuyên và lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Do đó, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả đang được các địa phương trong vùng ÐBSCL thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ đầu năm 2020 đến nay diện tích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tại ÐBSCL tăng nhanh, trong đó cây trồng hằng năm đạt 54.213ha, cây lâu năm 12.736ha, nuôi trồng thủy sản 1.011ha. Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đều đạt kết quả tốt trong những năm qua. Ðiển hình năm 2019, kết quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả của toàn vùng ÐBSCL, như sau: cây trồng hằng năm có doanh thu đạt 178,10 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 113,49 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa 99,76 triệu đồng/ha. Ðối với nuôi trồng thủy sản: lợi nhuận thu được đạt 40,73 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng lúa 13,27 triệu đồng/ha…
Nhằm thích ứng với tình hình khô hạn, thiếu nước, TP Cần Thơ đã thực hiện chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa. Qua đó, hơn 9 tháng năm 2020, diện tích rau màu và đậu các loại được gieo trồng trên đất lúa đạt 17.400ha, vượt 32,73% so với kế hoạch (trong đó, có 12.009ha cho thu hoạch). Ước sản lượng thu hoạch cả năm là 192.916 tấn, vượt 41% kế hoạch năm. Diện tích cây ăn trái toàn thành phố trong 9 tháng đạt 21.798ha, tăng 2.429ha so cùng kỳ năm 2019, vượt 7,7% kế hoạch năm; sản lượng thu hoạch đạt 112.804 tấn, vượt 2,96% kế hoạch. Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ (TP Cần Thơ), cho biết: "Ðịa phương thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, như: mô hình chuyển đổi trồng rau màu, cây ăn trái (cam, quýt, xoài…), mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa ở xã Thới Hưng, Ðông Thắng và xã Thới Xuân... cho kết quả khá cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới".
Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại vùng ÐBSCL cũng còn hạn chế, như: vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung; một số cây trồng khi chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững; chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ; một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi hạn chế, chưa đạt hiệu quả cao…
Giải pháp để nhân rộng
Ðể thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, Cục Trồng trọt khuyến cáo: Các địa phương trong vùng ÐBSCL cần quan tâm thực hiện một số giải pháp, như: tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Trong quá trình thực hiện cần lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu, bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng, vật nuôi chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng; kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất…
Ðặc biệt, đối với vùng cây ăn trái, rau màu khi có dự báo hạn mặn hoặc có nguy cơ bị hạn mặn, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cần hướng dẫn nông dân chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Các địa phương cần củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn hơn 1‰ cho cây. Ðối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,5‰. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt…
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh: "Năm 2020 nước lũ về ĐBSCL ít và muộn hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo khô hạn, xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm vào cuối năm 2020. Do đó, các địa phương trồng cây ăn trái, thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa cần chú ý, theo dõi tình hình hạn mặn để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phòng ngừa, hạn chế thiệt hại xảy ra. Việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn trái đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, do đó, hạ tầng nông nghiệp cũng cần được các địa phương đầu tư thực hiện phù hợp, đáp ứng yêu cầu trồng cây ăn trái, phát triển vật nuôi ở từng địa phương...".