Ngày 10/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về hiện trạng và giải pháp xử lý phụ phẩm nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam, nhất là tại 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và ĐBSCL, phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại ĐBSCL.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam, trong quá trình sản xuất, thu hái và chế biến trái cây ở ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng, thanh long, dưa hấu rất nhiều, nhưng lại đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường, trong khi có thể tái sử dụng để làm “phân bón hữu cơ” cho cây trồng.
Nguồn nguyên liệu phụ phẩm cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Ảnh: Minh Hoàng.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp) không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.
“Hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết, không chỉ làm phân bón mà có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng nhưng hiện nay chúng ta đang để lãng phí”, GS Võ Tòng Xuân nói.
Về vấn đề này, TS. Mai Thành Phụng, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Theo TS. Mai Thành Phụng, nếu làm tốt, có thể nâng sản lượng phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp hiện nay từ 4 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm. Đồng thời, người nông dân cũng có thể sản xuất được nguồn phân bón hữu cơ với sản lượng đạt 30 tấn/năm.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, cho biết một lượng đáng kể rơm được đốt ngay tại ruộng ở một số nơi thuộc miền Bắc, miền Trung gây ô nhiễm không khí, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là hành vi bị cấm theo quy định về pháp luật môi trường.
Trong khi đó, vụ Đông Xuân năm 2021 ở tỉnh Đồng Tháp, giá bán rơm khoảng 55.000-75.000 đồng trên 1.000 m2 ruộng, tương đương 400 đồng/kg, giá rơm cạnh đường giao thông liên xã là 15.000 đồng/bó, tương đương 1.250 đồng/kg.
Nếu vận chuyển xa thì giá bán rơm tại cơ sở sử dụng cho nuôi gia súc, làm nấm, làm vườn khoảng 25.000 đồng/bó, tương đương 2.083 đồng/kg. Như vậy, người nông dân trồng lúa, ngoài thu thóc thì sau khi gặt xong còn có thể thu thêm bình quân 550.000 đồng/ha rơm nếu đem bán.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp.
Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp 4F (Thức ăn - Trang trại - Thực phẩm - Phân bón hữu cơ), quy trình nông nghiệp tuần hoàn hở hoặc kín để có cơ sở thực hiện việc tiêu thụ các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.