Hạt tiêu từng là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô la Mỹ. Cụ thể, từ năm 2014 đến 2017, giá trị xuất khẩu hạt tiêu luôn ở mức trên 1 tỷ USD, trong đó, năm 2016 đạt giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay là 1,429 tỷ USD.
Từ năm 2018 đến 2020, do giá tiêu trên thị trường thế giới giảm mạnh vì cung vượt xa cầu, xuất khẩu hạt tiêu đã mất mốc 1 tỷ USD, thậm chí có năm đã giảm xuống khá xa so với mốc này (xuất khẩu năm 2020 chỉ đạt hơn 660 triệu USD).
Nông dân Bình Phước phấn khởi vì giá tiêu năm nay tăng cao, tiêu thụ tốt. Ảnh: Thanh Sơn.
Trong năm nay, giá trị xuất khẩu hạt tiêu đã tăng trưởng mạnh trở lại. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu tuy đã đạt 719 triệu USD, tăng tới 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), ước tính đến hết tháng 10, xuất khẩu hạt tiêu đã đạt 230 ngàn tấn, trị giá khoảng 800 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng tới gần 50% trong 9 tháng chủ yếu là do giá tăng cao trên thị trường thế giới, qua đó, tác động lớn tới giá xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.326 USD/tấn, tăng 51,3% so với 8 tháng đầu năm 2020.
Giá hạt tiêu xuất khẩu đang tiếp tục xu hướng tăng lên trong những tháng cuối năm, là cơ hội lớn để ngành hồ tiêu gia tăng mạnh về giá trị xuất khẩu, khi mà nhu cầu nhập khẩu đang tăng lên tại nhiều thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt tiêu của hầu hết các nước có dung lượng thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ Trung Quốc. Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, lượng hạt tiêu nhập khẩu vào nước này chỉ đạt 41 nghìn tấn, giảm tới 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt. Nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra.
Điều đáng chú ý là tuy giảm đáng kể về lượng hạt tiêu nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng lượng hạt tiêu mà Trung Quốc mua từ Việt Nam lại tăng khá tốt. Cụ thể, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 10,9%, đạt 12,52 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Điều đó cho thấy, hạt tiêu Việt Nam đang ngày càng được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Do đó, nếu đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu trong những tháng còn lại của năm, chắc chắn các thương nhân Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cho hạt tiêu Việt Nam. Trên cơ sở đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tăng dịp cuối năm nhờ nhu cầu tiêu thụ của thị trường nước ngoài tăng, giá giữ ở mức cao.
Tuy nhiên, theo VPA, lượng hạt tiêu còn lại không nhiều. Ước tính trong 2 tháng còn lại của năm, lượng hạt tiêu còn để xuất khẩu là khoảng 25.000 - 30.000 tấn. Với giá xuất khẩu khoảng 4.000 USD/tấn hiện nay, tổng giá trị xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm vào khoảng 100 triệu USD hoặc hơn một chút.
Tính ra, trong cả năm 2021, giá trị xuất khẩu hạt tiêu dự báo đạt khoảng 900 triệu USD. Tuy chưa thể trở lại mốc 1 tỷ USD, nhưng đây là cơ sở rất quan trọng để xuất khẩu hạt tiêu có thể quay lại mốc này vào năm sau, khi mà giá tiêu trên thị trường thế giới vẫn đang có xu hướng tăng lên.