Ổn định sản lượng để giữ vị thế hạt tiêu Việt Nam

Sản lượng hạt tiêu Việt Nam đang giảm. Vì vậy, ngành hồ tiêu đang tìm giải pháp ổn định diện tích, sản lượng để duy trì vị thế trên thị trường thế giới.

Sản lượng hạt tiêu Việt Nam đang giảm. Ảnh: Sơn Trang.

 

Xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam suy giảm đáng kể về lượng trong những tháng đầu năm nay. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 83 nghìn tấn hạt tiêu, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, lượng xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá hạt tiêu tại Việt Nam tăng cao. Nếu như trong tháng 4/2023, giá hạt tiêu ở mức 67.000 đồng/kg, thì tháng 4 năm nay gần 97.000 đồng/kg.

 

Thông tin từ các thương nhân ngành hồ tiêu cho hay, trong những ngày đầu tháng 5, giá hạt tiêu đã lên trên 100.000 đồng/kg. Dù lượng xuất khẩu giảm mạnh, nhưng nhờ giá tăng cao cả trong nước và xuất khẩu, giúp cho kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng đạt 352 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

 

Bà Liên cho rằng giá hạt tiêu tăng cao là điều đáng mừng cho nông dân trồng tiêu để bù lại cho những năm giá xuống quá thấp (2019 và 2020). Với diễn biến giá hạt tiêu từ đầu năm đến nay, rõ ràng hạt tiêu đang vào chu kỳ tăng giá mới. Nguyên nhân chính là nguồn cung hạt tiêu hạn chế trên toàn cầu.

 

Sản lượng hạt tiêu giảm không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước sản xuất lớn khác tại châu Á là Indonesia, Ấn Độ, và những nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka. Một nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất ở Nam Mỹ là Brazil cũng đang bị giảm sản lượng do tác động của El Nino. Sản lượng giảm trên toàn cầu đã bắt đầu hỗ trợ cho việc tăng giá hạt tiêu từ tháng 9, tháng 10/2023, và tăng mạnh kể từ sau Tết Giáp Thìn.

 

Với tình hình sản xuất hồ tiêu trên toàn cầu, bà Liên nhận định, trong 3 - 5 năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vẫn đang có xu hướng tăng lên.