Gieo mạ sân là kỹ thuật gieo hạt giống lúa trên nền sân xi măng hoặc nền đất phủ nilon để hạt lúa giống phát triển thành cây mạ rồi đưa ra ruộng cấy. Với kỹ thuật này, ông Nguyễn Văn Công (tức Tám Công), chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp Tám Công Thành Hưng, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, Long An ứng dụng rất thành công trên các cánh đồng ở Long An.
Nghĩ là làm
Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất nông nghiệp ít được thiên nhiên ưu đãi, đất nhiễm phèn, khô hạn… Sạ lúa thì lúa chết, lại thêm sâu bệnh hoành hành. Trước những khó khăn đó, ông Tám Công luôn trăn trở phải tìm cách nào khắc phục.
Thế là cơ duyên đã đến, ông Công cho biết: “Vào năm 1999, ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang có ông Lương Sơn Ba vừa mua máy cấy mạ của Nhật. Nghe tin, tôi lật đật tìm đến địa chỉ trên để học hỏi mô hình và ngay lập tức tôi chú ý đến kỹ thuật gieo mạ trong khay (mạ Dapog). Tôi đã quyết định mua mạ gieo trong khay về cấy ở đất của mình, kết quả, mạ gieo trong khay rất dễ cấy, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất”.
Với những ưu thế của kỹ thuật gieo mạ trong khay, ông quyết định đem số tiền 4 triệu đồng mua giống về gieo và cấy thử nghiệm. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, mạ gieo trong khay vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm như tỉ lệ sống thấp, cây yếu, thời gian sinh trưởng chậm… Ông mày mò tìm mọi cách để khắc phục những nhược điểm này và ông đã cải tiến kỹ thuật gieo mạ trong khay thành kỹ thuật gieo mạ trên sân (gọi là mạ sân)
Với cách làm mới này, ông Tám Công kết hợp bùn đáy ao, sơ dừa và phân DAP trong lúc gieo mạ. Thật bất ngờ, với phương pháp này, cây mạ chẳng những sinh trưởng tốt, dễ cấy mà còn cho cây mạ mập, sức sống kéo dài.
Năm 2001, cơ sở sản xuất nông nghiệp Tám Công Thành Hưng chính thức được UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận thành lập. Để thu hút sự chú ý và giới thiệu rộng khắp, ông Tám Công tổ chức trình diễn gieo mạ sân và cấy miễn phí cho nông dân. Năng suất đạt từ 6 đến 8 tấn lúa /héc ta. Thấy được hiệu quả, bà con khắp nơi kéo về cơ sở của ông đặt hàng.
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, ông Tám Công đã có trong tay diện tích 1,5 héc ta diện tích mặt sân để gieo mạ, 150 công cấy và 3 lò sấy với công suất 20 đến 30 tấn/mẻ. Cơ sở của ông còn nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng của các đơn vị trong nước. Chẳng hạn, năm 2005 nhận Giấy chứng nhận Địa chỉ xanh tại Hội chợ vật nuôi giống cây trồng tổ chức tại Vĩnh Long, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng về thành tích trong chương trình vật nuôi giống cây trồng năm 2000-2005…
Giảm rủi ro
Trước những diễn biến phức tạp của dịch rầy nâu gây bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trong những năm qua, thì việc đưa cây mạ sân để cấy cho đồng ruộng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. “Sử dụng mạ sân để cấy chẳng những giúp giảm lượng giống mà còn né được lứa rầy đầu vụ do mạ sân được gieo và đậy kín trong mùng lưới nên rầy không thể xâm nhập, tấn công” - ông Công cho biết.
Ưu điềm của mô hình này là dễ diệt cỏ, tiết kiệm đáng kể lượng giống gieo sạ, năng suất cao. Đặc biệt, cây mạ sân còn giúp bà con nông dân còn chủ động được thời điểm gieo sạ, rút ngắn thời gian lúa trên đồng, tránh được rất nhiều tác nhân gây bệnh cho cây lúa.
Ông Tám Công nói: “Nếu 15 ngày nữa bà con mới gieo sạ, hay bà con muốn gieo sạ sớm mà đồng ruộng còn ngập lụt thì bà con có thể đặt mạ trước, khi nước xuống là gieo sạ được liền, giúp chủ động về thời gian rất lớn”.
“Từ khi tôi áp dụng mạ sân vào sản xuất, năng suất tăng lên đáng kể, giảm được rất nhiều chi phí như giống, thuốc phun xịt. Và đặc biệt, rất tốt với việc trồng các giống cao sản vì mô hình này loại cả lúa lẫn, lúa tạp trên đồng ruộng” - ông Nguyễn Văn Vũ, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết.
Theo: baomoi.com